Khuyến công
Nghề truyền thống được lưu giữ và phát triển trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai là nơi có nhiều nghề truyền thống, trong đó có những nghề đã tồn tại từ vài chục đến hàng trăm năm. Các nghề truyền thống được lưu giữ và phát triển đến hôm nay có công rất lớn của những nghệ nhân, thợ giỏi. Họ đã dùng tài hoa, niềm đam mê của mình để truyền và giữ nghề như gốm, gỗ và chế tác đá. Nhiều người trong số họ đã được công nhận danh hiệu Nghệ nhân vì đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát triển nghành nghề ở địa phương.

Nghề gốm được xem là một nghề truyền thống ở Biên Hòa, Đồng Nai. Sản phẩm gốm Biên Hòa không chỉ đơn thuần với chức năng công dụng của từng loại hình mà còn mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao. Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến được xem là một trong số rất ít người khôi phục thành công chất liệu men của gốm Biên Hòa xưa.

Gần 20 năm gắn bó với nghề gốm, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến là một trong số ít nghệ nhân còn theo đuổi dòng gốm Biên Hòa xưa. Được đào tạo bài bản từ trường mỹ thuật, lại có đam mê với nghề gốm, mặc dù gặp không ít khó khăn trong suốt quá trình làm nghề, thế nhưng nghệ nhân Hiến vẫn một lòng theo đuổi dòng gốm này. Nặng lòng với dòng gốm này, nghệ nhân Hiến còn chỉ dạy và truyền nghề cho hàng trăm lượt người.

 

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến Phục dựng lại tượng cá hóa long tại đài phun nước di tích Quảng trường Sông Phố  Biên Hòa Đồng Nai

Đam mê chính là động lực giúp nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến vượt qua mọi khó khăn để sống trọn vẹn với nghệ thuật. Ngoài sáng tác mỹ thuật nghệ nhân Hiến vẫn làm các đơn hàng phục chế gốm cổ Biên Hòa tại các đình, chùa, di tích... Bằng tài năng và đôi bàn tay vàng, nghệ nhân Hiến đã và đang góp phần không nhỏ tạo nên những tác phẩm độc đáo, tinh xảo, có sức sống trong mỹ thuật gốm Đồng Nai. Hiện tại, ngoài sáng tác mỹ thuật nghệ nhân Hiến là một trong những nghệ nhân trẻ dành nhiều tâm huyết truyền lửa nghề, tình yêu nghề cho những lớp thợ sau này về dòng gốm xưa với mong muốn phục hồi dòng gốm cổ Biên Hòa trước đây.

Theo nghệ nhân Hiến, gốm Biên Hoà ngày xưa đẹp về kiểu dáng, hoạ tiết và cả chất men. Gốm Biên Hoà có chất men độc đáo riêng, chính điều này đã làm cho nó khác với gốm của các địa phương khác. Đặc trưng gốm truyền thống Biên Hòa xưa là sự đa dạng về chất liệu, màu sắc, sự phong phú về kiểu dáng, rắn chắc, mộc mạc trong trang trí, ổn định trong loại hình và dồi dào về số lượngSản phẩm gốm của nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến từng tham gia nhiều cuộc thi, nhiều triển lãm mỹ thuật trong, ngoài tỉnh và đã nhiều lần đoạt giải cao tại các cuộc thi.

Gốm mỹ nghệ Biên Hòa ngày nay dù sáng tạo nhiều kiểu mẫu màu sắc so với trước đây nhưng màu men luôn giữ được nét đặc trưng của gốm Biên Hòa xưa. Việc cải tiến công nghệ sản xuất, chuyển đổi kỹ thuật nung gốm từ lò củi sang lò ga nhằm bảo vệ môi trường cũng mang lại nhiều khó khăn cho các cơ sở gốm đen. Chính vì thế, các cơ sở sản xuất mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh kỹ thuật làm sao sản phẩm gốm làm ra vẫn giữ được nét đặc trưng của gốm nung củi và thuyết phục được sự hài lòng của khách hàng

 Với nghề gỗ mỹ nghệ Xuân Lộc từ nhiều năm trước, nhắc đến các sản phẩm gỗ mỹ nghệ từ gốc cây, nhiều người nghĩ ngay đến huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Bởi đến thời điểm này, cũng chỉ ở Xuân Lộc có nhiều tác phẩm từ gốc, rễ cây phong phú, độc lạ nhất và cũng có giá trị nghệ thuật cao. Sản phẩm mỹ nghệ ở huyện Xuân Lộc thiên về bàn ghế nội thất, ngoại thất, tượng các loại… được sản xuất chủ yếu bằng gốc cây rừng, trông mộc mạc, tự nhiên với muôn hình vạn trạng.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Phan Khắc Dũng, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Dũng Anh đã tạo ra hàng ngàn tác phẩm khác nhau. Hầu hết các tác phẩm được làm tỉ mỉ, công phu và hầu như không tác phẩm nào giống tác phẩm nào.

Theo Nghệ nhân Phan Khắc Dũng, mộc mỹ nghệ từ gốc rễ cây cũng như nhiều nghề truyền thống khác ở Đồng Nai và cả nước đã phải trải qua nhiều thăng trầm. Để nghề gỗ mỹ nghệ ngày càng phát triển đòi hỏi người nghệ nhân phải liên tục tìm tòi, làm ra các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, thỏa mãn được sự yêu thích của khách hàng. Để nghề này không bị mai một, nhiều lớp nghệ nhân đã chung tay trong công tác đào tạo, truyền nghề cho các thế hệ trẻ trong suốt nhiều năm.

Riêng nghề điêu khắc đá ở phường Bửu Long, Tp. Biên Hòa được coi là nghề thủ công lâu đời nhất của vùng đất Đồng Nai. Với trên 300 năm tồn tại, làng nghề đá Bửu Long nay chỉ còn lại vài cơ sở nhưng hằng ngày vẫn không dứt tiếng máy, tiếng đục đá. Hiện những cơ sở làm đá ở Bửu Long như Tân Phát Hưng, Tín Nghĩa, Tân Vĩnh Quang, Nhật Thành... với quy mô khá lớn đã góp phần gìn giữ và tạo nên thương hiệu cho làng nghề. Sản phẩm đá Bửu Long có mặt khắp nơi với hàng trăm công trình lớn nhỏ khắp cả nước, đặc biệt là khu vực phía nam, với những nghệ nhân có tay nghề điêu luyện, sử dụng loại đá xanh đặc trưng của vùng đất này đã tạo nên những sản phẩm đạt tới tầm nghệ thuật mà không phải ở đâu cũng có được. Nghề điêu khắc đá chủ yếu được truyền theo hình thức cha truyền con nối với những bí quyết riêng trong từng công đoạn chế tác sản phẩm. Chính vì vậy, nghề điêu khắc đá đòi hỏi người làm nghề có sự cẩn trọng, tính kiên trì, tỉ mỉ và sự sáng tạo với tính mỹ thuật cao

Với lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ, các cơ sở đá ở phường Bửu long luôn kế thừa những tinh hoa của tổ tiên để lại và nối nghiệp cho đến ngày nay. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nguồn đá ngày càng ít nên nhiều cơ sở điêu khắc đá trong vùng phải đóng cửa, thợ làm đá cũng bỏ nghề. Hiện làng đá Bửu Long chỉ còn lại khoảng 3 đến 4 cơ sở còn bám trụ với nghề.

Hiện nay, do thiếu nguồn nguyên liệu, cộng với lớp người trẻ không còn đam mê với nghề, thị trường đá cạnh tranh khốc liệt... khiến làng nghề đá Mỹ nghệ 300 năm tuổi này đang đứng trước nguy cơ mai một. Chỉ những người thật sự yêu nghề, đam mê với nghề với theo được. Đây cũng chính là sự trăn trở của những người làm nghề lâu năm với niềm mong mỏi giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.

Nhìn chung các nghề truyền thống này được lưu giữ và phát triển đến ngày nay có công rất lớn của những nghệ nhân, thợ giỏi. Họ đã dùng tài hoa, niềm đam mê để truyền nghề và giữ gìn nghề. Gìn giữ và phát triển nghề truyền thống không chỉ giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, nghệ thuật của Đồng Nai. Sự phát triển của các nghề truyền thống khẳng định được niềm say mê từ những con người, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác để giữ lửa nghề.

 

Để khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển và bảo tồn, phát huy những ngành nghề truyền thống, hàng năm UBND tỉnh đều xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương. Điều này không chỉ khuyến khích, tôn vinh người lao động làm ra các sản phẩm có giá trị mà còn đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news